Lắng nghe trải lòng từ cựu sinh viên HANU – Làm thế nào để vào làm tại EY?

Bạn là một sinh viên kiểm toán chuẩn bị tốt nghiệp, bạn được nghe nhiều câu chuyện của các “siêu nhân” trong mùa tuyển dụng thực tập như: sinh viên năm 3 đỗ cả 4 công ty kiểm toán lớn (gọi tắt là Big4: KPMG, Ernst & Young, PwC, Deloitte) , hotgirl xinh đẹp học giỏi đỗ Big4,… Bạn cần tìm lời khuyên cho sinh viên sắp ra trường trong khi mùa tuyển dụng “FRESH GRADUATE” đang đến rất gần?

Cùng Sunway HANU lắng nghe chia sẻ từ Thảo Anh, một cựu sinh viên khoa Anh vô cùng duyên dáng và đáng yêu của trường Đại học Hà Nội – hiện đang công tác tại công ty hàng đầu về lĩnh vực Tài chính – Kế toán – Kiểm toán về chuyện cô làm trái ngành cũng như về cơ hội, khó khăn và môi trường làm việc để cùng giải đáp liệu điểm đặc biệt nào trong văn hóa Doanh nghiệp tại Big4 đã níu chân HANUer – một nhân sự trái ngành gắn bó với Khối ngành vốn được biết đến là chỉ có 2 mùa: “mùa bận” và “mùa rất bận”?

Chào Thảo Anh, bạn chia sẻ một chút về bản thân nhé!
Thảo Anh: Xin chào mọi người, mình là cựu sinh viên lớp Cử nhân Tài năng ngành ngôn ngữ Anh, khóa tốt nghiệp năm 2019. Hiện tại mình đang làm việc tại phòng ban nhân sự công ty EY – Ernst & Young.

Big4 nói chung và EY nói riêng luôn là niềm ao ước của nhiều bạn sinh viên sau khi ra trường, là một nhân viên hiện đang làm việc tại EY, theo bạn điều gì khiến EY nổi bật hơn các công ty khác?
Đầu tiên mình nghĩ đó là cơ hội thăng tiến rõ ràng. Mình, hay rất nhiều những người bạn khác ngay sau khi ra trường đều đã được làm công việc mong muốn, nhưng sự thật là không có nhiều công ty cho chúng mình thấy 1 lộ trình phát triển hoàn chỉnh hay thường gọi là Career Path một cách rõ ràng. Ở EY, các bạn vào làm đều có cơ hội phấn đấu để lên các chức vụ cao hơn như senior, manager, senior manager. Nhân viên tại EY đều hiểu mình cần phải gì để có thể phát triển ngay từ khi bước chân vào công ty. Một điều mà mình thấy rất nhiều các bạn sinh viên mới ra trường thường mắc phải đó là các bạn lựa chọn công việc có lương cao nhất thời mà không nghĩ đến tương lai lâu dài sau này. Lương khởi điểm EY dành cho các bạn sinh viên mới ra trường không thực sự quá cao so với nhiều công ty khác tuy nhiên công ty sẽ cho bạn môi trường để trưởng thành cả về năng lực chuyên môn và kỹ năng mềm, nhờ đó con đường sự nghiệp cũng rộng mở hơn. Môi trường làm việc tại EY rất năng động, phần lớn đều là các bạn trẻ tài năng, khát vọng chinh phục sự nghiệp vì vậy các bạn luôn nỗ lực học hỏi thật nhiều, chủ động mở rộng mối quan hệ và nghiêm túc và kiên trì với con đường sự nghiệp mà mình đã chọn.

Vậy bạn thích nhất điều gì khi làm việc tại EY?
Điều mình thích nhất… chắc là công ty không có giờ làm việc. Không như phần lớn các công ty khác mà mình biết, phải chấm vân tay 8h mỗi sáng, làm việc tại EY Việt Nam cho mình quyền tự chủ về thời gian đi làm, không bị bó buộc.

Có phải là làm ít nhưng chất lượng không?
Cũng không hẳn đâu. Công việc thì khá nhiều, tuy nhiên chỉ cần bạn hoàn thành tốt công việc của mình thì thời gian đi làm không quan trọng. Sếp không quá quan tâm xem bạn có đi làm đúng giờ hay không, mà điều mà sếp ở EY quan tâm đó là việc bạn có hoàn thành công việc hay không. Chỉ cần bạn hoàn thành tốt công việc, thì đi làm lúc 9h sáng là điều hoàn toàn có thể.

Chắc hẳn nghe đến đây có rất nhiều bạn mong muốn vào làm tại EY,  bạn chia sẻ một chút về yêu cầu tuyển dụng của EY nhé. Công ty có yêu cầu gì đặc biệt về bằng cấp không?
EY là công ty lớn về kế toán và có rất nhiều các bạn sinh viên HANU học ngành tài chính cũng đang làm việc tại công ty. Yêu cầu chung để ứng tuyển chỉ cần kết quả trung bình đại học và các môn liên quan trực tiếp đến kiểm toán của các bạn trên 7.5 là đã đủ điều kiện rồi. Về bằng cấp nếu các bạn có chứng chỉ nghề nghiệp như ACCA thì sẽ có lợi thế hơn qua các vòng hồ sơ và vòng thi, vì kiến thức chuyên ngành học trong chương trình ACCA áp dụng được tương đối nhiều trong vòng thi kiến thức và phỏng vấn. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể đậu EY mà không cần bằng ACCA hay các chứng chỉ hành nghề khác vì, khả năng thực sự của các bạn mới là điều quan trọng.

Vậy còn đối với các bạn sinh viên ra trường làm trái ngành như bạn thì sao, sinh viên ngành ngôn ngữ làm thế nào để được vào làm tại EY?
Mình xuất phát điểm cũng là một sinh viên ngành ngôn ngữ Anh, nhưng điều đó không cản trở mình đến với EY. Tiếng Anh thực sự cần thiết trong một môi trường làm việc Quốc tế. Bên cạnh các phòng ban đòi hỏi  chuyên môn sâu như Phòng Kiểm toán, Phòng Thuế…  thì mảng truyền thông, nhân sự sẽ là một cánh cửa mở đối với các bạn “non-economics”. Dù làm việc ở phòng ban nào, điều quan trọng là các bạn cần có thái độ tích cực, luôn cố gắng, chăm chỉ và làm tốt hết sức có thể công việc mình được giao, cố gắng trau dồi nhiều hơn những kiến thức cần thiết cho vị trí đang công tác. Như vậy, dù các bạn có làm trái ngành hay không thì đều có thể tự tin ứng tuyển vào các công ty lớn như EY. Một điều nữa là các công ty “hịn” như Deloitte, EY, PwC đều có trang web tuyển dụng riêng của họ, ví dụ như EY có trang tuyển dụng riêng trên Facebook là “EY Career”. Công ty khi có đợt tuyển nhân sự đều sẽ đăng tuyển trực tiếp lên trang đó, còn các trang việc làm khác thì chỉ là đăng lại thông tin thôi. Vì vậy nếu bạn quan tâm tới EY thì nhớ theo dõi các trang tuyển dụng chính thức của công ty nhé.

Như bạn chia sẻ trên, thái độ, kỹ năng mềm cũng rất quan trọng bên cạnh các kiến thức kỹ năng. Vậy nếu phải chọn ra 3 kỹ năng mềm quan trọng nhất các bạn sinh viên cần có để vào làm ở các công ty lớn như EY thì bạn sẽ chọn kỹ năng gì?
Ba nhiều thế à, mình xin phép chọn ra 2 kỹ năng thôi nhé. Theo mình thì, hai kỹ năng mềm quan trọng nhất chính là khả năng giao tiếp và kỹ năng quản lý thời gian. Khi đi làm, chỉ cần các bạn ăn nói khéo hơn một chút thôi là sẽ giúp được rất nhiều việc rồi, đây thực sự là kỹ năng mà các bạn sinh viên nên học. Còn quản lý thời gian sẽ giúp các bạn hoàn thành tốt công việc, đặc biệt ở môi trường làm việc áp lực như EY. Một ngày có rất nhiều công việc phải làm, vì vậy biết cách quản lý thời gian để làm việc sao cho hiệu quả là kỹ năng rất cần thiết.

Câu hỏi cuối cùng rồi đây, sinh viên Hanu có lợi thế nổi bật gì khi đăng ký ứng tuyển vào EY hay không?
Các bạn sinh viên HANU rất năng động và tài giỏi, EY luôn ưu tiên tuyển các bạn theo học các trường danh tiếng tốt, như HANU trường mình. Bên cạnh đó ngoại ngữ cũng là một lợi thế lớn của các bạn sinh viên mong muốn vào EY. Nếu các bạn còn đang phân vân do dự thì hãy cứ tự tin ứng tuyển vào EY nhé.

Cảm ơn Thảo Anh đã dành thời gian tham gia phỏng vấn. Chúc bạn ngày càng đạt nhiều thành công trong sự nghiệp nhé!

Hy vọng những chia sẻ của Thảo Anh đã phần nào giải đáp được những thắc mắc của các bạn về EY cũng như hữu ích đối với các bạn đang trong hành trình chinh phục BIG4.

Đối với các vị trí chuyên ngành tài chính, kế toán, kiểm toán, các công ty lớn như EY và BIG4 luôn ưu tiên tuyển dụng ứng viên có trình độ chuyên môn cao. Vì vậy, chứng chỉ ACCA được xem là tấm vé thông hành tại các kỳ tuyển dụng của BIG4. 

Chương trình Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA) lấy bằng Cử nhân Kế toán Ứng dụng của Đại học Oxford Brookes (OBU) đang triển khai tại Trường Đại học Hà Nội sẽ mang đến cho các bạn học sinh – sinh viên hành trang đến với ngành Kế toán – Kiểm toán – Tài chính theo chuẩn Quốc tế ACCA ngay từ rất sớm. . Chương trình với lộ trình học rút ngắn trong 3 năm, sinh viên ra trường với hai tấm bằng danh giá – bằng Cử nhân Quốc tế Kế toán Ứng dụng (trường ĐH Oxford Brookes Anh quốc cấp) và chứng chỉ ACCA (Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh cấp). Dó đó, các bạn sinh viên sẽ có lợi thế rất lớn khi ứng tuyển vào các tập đoàn lớn đa quốc gia như EY và BIG4.

Nếu có bất kì câu hỏi nào khác, các bạn vui lòng liên hệ với văn phòng qua địa chỉ sau.
VĂN PHÒNG SUNWAY HANU
Địa chỉ: Phòng 204 nhà B, Trường Đại học Hà Nội.
Số 264-266 đường Nguyễn Trãi, Nam Từ Liêm, Hà Nội
Tel: 096 423 3653 / 0243.554.4243
Website: https://sunway.hanu.edu.vn/
Facebook: https://www.facebook.com/cunhanketoanhanu
Hòm thư: obu@hanu.edu.vn